Khởi nghiệp, thất bại và sự kiên trì: thất bại có phải là mẹ thành công?
(TBKTSG) - Phong trào khởi nghiệp được nhắc đến nhiều hiện nay, trong đó có người thành công nhưng cũng có kẻ thất bại. Trong một chương trình đối thoại có chủ đề “Thất bại là mẹ thành công” do Tổng lãnh sự quán Úc và trường Đại học RMIT Việt Nam tổ chức mới đây, hai câu chuyện khởi nghiệp đã được kể ra cho thấy sự thất bại đôi khi lại giúp người trong cuộc vươn lên mạnh mẽ hơn.
Các diễn giả trao đổi về kinh nghiệm khởi nghiệp tại tọa đàm: “Thất bại là mẹ thành công”. Nguồn ảnh: Facebook Hội Cựu sinh viên Úc tại Việt Nam |
Khi nội bộ thiếu đồng lòng
Chị Đỗ Trà Ngân, cộng sự và quản lý dự án Biotherapy Asia đã từng có thời gian tổn thương vì bài học khởi nghiệp đầu đời. Chị nói bài học từ câu chuyện khởi nghiệp lần đầu tiên vẫn còn rõ nét dù đã qua hơn một năm. Sau khi công ty giải thể, chị Ngân đã dành nhiều thời gian để vượt qua và cuối cùng là tự quay về đối thoại với chính mình. Mỗi ngày chị đều dành một tiếng viết ra những điều mình suy nghĩ để thấy được điểm mạnh điểm yếu của mình và tìm đúng nơi giải quyết được vấn đề, ví dụ như tìm đến các chương trình mentoring (cố vấn) để được trợ giúp.
Khoảng ba năm trước, chị Ngân tình cờ gặp một bạn trẻ và bị cuốn hút vào câu chuyện làm nông sản sạch. Mới chỉ là ý tưởng manh nha nhưng chị và người bạn đã quyết tâm biến thành hiện thực sau buổi gặp mặt đó. Chỉ sau ba tháng, công ty đã được thành lập với vốn góp từ các cổ đông. Ban đầu mọi chuyện suôn sẻ, chị và người đồng sáng lập đã xây dựng mô hình kinh doanh, tuyển nhân viên, chọn nguồn hàng, tiếp cận với các cửa hàng, siêu thị để đưa các loại rau sạch của công ty vào bày bán ở những nơi này.
Nhưng rồi mọi chuyện không còn được như vậy, chỉ sau vài tháng kinh doanh. Một buổi sáng đẹp trời, bên cung cấp nguồn rau sạch ở Đà Lạt gọi điện báo không còn tiếp tục cung ứng đủ số lượng nữa, và tiếp sau đó tiến đến cắt hẳn nguồn cung trong lúc công ty bắt đầu có thị trường. Thiếu nguồn hàng ổn định, công ty hết sức lo lắng, họp bàn liên tục để tìm giải pháp, thậm chí đã nghĩ đến việc đóng cửa công ty.
Chị Ngân lắng nghe ý kiến của mọi người từ hội đồng quản trị đến cả những nhân viên, nhưng giữ nguyên lập trường nói không với các mặt hàng rau không rõ nguồn gốc có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này dẫn đến bế tắc trong việc tìm nguồn hàng. Giải pháp được đưa ra là chuyển hướng sang bán các loại nước ép từ các loại trái cây trồng hữu cơ. Thời gian đầu hướng kinh doanh này vẫn chưa thấy lối ra, rất ít khách hàng tìm mua loại nước ép của công ty nên doanh thu èo uột. Vài người trong nội bộ mất kiên nhẫn khi thấy khoản lỗ ngày càng lớn. Và rồi một vài cổ đông đã rút khỏi công ty để cắt lỗ nên nguồn vốn công ty càng thu hẹp hơn.
Với sự kiên trì tiếp cận thị trường, sáu tháng sau sản phẩm nước ép của công ty bắt đầu có được chỗ đứng. Nhưng đến đây lại nảy sinh vấn đề khác, nhân sự trong nội bộ bắt đầu không đồng hành về tầm nhìn. Chị Ngân và các thành viên sáng lập ngồi lại bàn bạc xem nên đi tiếp hay dừng. Nếu đi tiếp thì phải bỏ thêm bao nhiêu vốn nữa để tiếp tục phát triển công ty? Nếu dừng lại thì khi nào dừng để thiệt hại ít nhất. Cuối cùng các thành viên chọn phương án dừng lại, càng sớm càng ít thiệt hại. Giải thể công ty, chị rất tiếc nhưng đành chịu vì các thành viên không tìm được tiếng nói chung.
Bây giờ, chị Ngân theo đuổi công việc kinh doanh mới, nhưng chị vẫn nhớ những ngày cùng chung sức đưa nông sản sạch ra thị trường. Kinh nghiệm mà chị chia sẻ là, nếu nội bộ không có sự đồng thuận thì công ty khó bề trụ vững. Dù tập hợp các cá nhân xuất sắc để cùng khởi nghiệp cũng không quan trọng bằng việc họ có cùng chia sẻ quan điểm với nhau không và có đồng thuận để đi cùng không.
Cần kiên trì và tự tin
Chia sẻ khát khao với ngành sản xuất chương trình biểu diễn thời trang, chị Lê Thị Quỳnh Trang, người sáng lập Công ty Truyền thông Multimedia JSC, kể về niềm đam mê của mình và các thách thức trong khởi nghiệp. Hành trang khởi nghiệp của chị là cảm hứng từ quyển sách Vì sao họ thành công? với những câu chuyện khởi nghiệp từ ngày đầu đầy khó khăn của các doanh nhân.
Công ty Multimedia JSC của chị lúc đầu đã tìm đến một số nước để mua bản quyền chương trình truyền hình. Lúc đó chị nhắm vào cuộc thi người mẫu nghiệp dư “American Next Top Model” đang đình đám trên truyền hình các nước nên nhiều lần tiếp cận hãng truyền hình CBS của Mỹ để mua bản quyền. Chị bắt đầu nộp bản hồ sơ năng lực cho hãng này để mua bản quyền nhưng bị từ chối vì họ đánh giá công ty của chị chưa đủ lớn mạnh.
Không lùi bước trước khó khăn, chị tìm đến các hội chợ trong ngành trên thế giới để tạo mạng lưới và tên tuổi cho công ty mình. Nhờ sự kiên nhẫn, chị đã kết nối được nhiều hãng truyền hình quốc tế và họ đã làm cầu nối cho chị với hãng CBS. Về nước, chị tìm đến mạng lưới kinh doanh trong nước có liên quan đến ngành truyền hình để hợp tác, giới thiệu tiềm năng của dự án. Cuối cùng chị cũng mời được CBS về Việt Nam để chứng minh với họ năng lực của mình, và đã giành được quyền mua bản quyền chương trình. Mất ba năm để chị có được hợp đồng trong tay vào năm 2010.
Khi đã có hợp đồng thì việc thực hiện cũng không dễ, vì chương trình có những đòi hỏi với tiêu chuẩn quốc tế. Đang chuẩn bị nguồn lực làm chương trình thì CBS lại yêu cầu dừng thời hạn thi hành hợp đồng. Sau năm tháng quan sát, họ kết luận rằng công ty của chị chưa sẵn sàng để làm chương trình theo tiêu chuẩn.
Lại những đêm mất ngủ, chị nghĩ mình cần học hỏi thêm từ người đi trước và cần học thực tế cách sản xuất chương trình từ những nước khác. Có như thế thì mình mới chuẩn bị đầy đủ hơn, nâng cao tính chuyên nghiệp hơn. Mình có thể học và làm theo cách của mình, vậy tại sao không thử? Chị liên hệ lại với đài CBS để bày tỏ nguyện vọng của mình thì được giới thiệu đến Mỹ nơi đang sản xuất chương trình. CBS đồng ý cho chị làm chương trình khi thấy được quyết tâm của người phụ nữ này.
Bắt tay vào sản xuất lại xảy ra khó khăn trong tìm kiếm nhân sự phù hợp với chương trình. Chỉ còn hai tuần là đến thời hạn, chị xem lại các chương trình “Next Top Model” của các nước và tạo kịch bản cho phiên bản Việt Nam. Sau đó chị làm việc với ê kíp để cùng sản xuất từ đào tạo người mẫu, dàn dựng chương trình bằng những nghiên cứu riêng và từ chuyến đi thực địa.
Học chuyên ngành tài chính kế toán nhưng chị lại “bén duyên” với ngành sản xuất chương trình biểu diễn thời trang. Thách thức, khó khăn rất nhiều nhưng chị đã trụ vững và nay chị gần như có cả một hệ sinh thái thời trang trong tay: công ty đào tạo người mẫu, sản xuất các chương trình biểu diễn thời trang. Chị nói niềm tin vào chính mình đã là vũ khí để chị chiến đấu trước khó khăn, thách thức.
Tham dự chương trình đối thoại nói trên, ông Phan Đình Tuấn Anh, thành viên Ban cố vấn của SME Mentoring 1on1, nói rằng sức chịu đựng bền bỉ là một tố chất cần thiết đối với doanh nhân, đặc biệt là ở những nữ doanh nhân vươn lên trong khởi nghiệp. Tuy gọi là “phái yếu” nhưng họ thật mạnh mẽ khi đối mặt với khó khăn.
Như trong hai câu chuyện trên, các nữ doanh nhân này cho thấy sự tự tin vào bản thân, kiên trì theo đuổi mục tiêu dù có lúc con đường khởi nghiệp chừng như bế tắc.
Mỹ Huyền
Thời báo Kinh Tế Sài Gòn